Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kỷ niệm 55 thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà (10/1967 - 10/2022)

Ngày đăng: 8:55 | 23/09/2022 Lượt xem: 99


I.QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP ĐẶC KHU ỦY QUẢNG ĐÀ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương của
Thường vụ Khu ủy Khu V, cuối năm 1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia thành 2 tỉnh: tỉnh Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Đà gồm các đơn vị: thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, các huyện: Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và 3 huyện miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Tỉnh Quảng Nam gồm các đơn vị: Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức. Tháng 01/1963, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà họp tại làng Đào, huyện Hiên (Đông Giang) bầu cử Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Nghinh - Khu ủy viên Khu V được bầu làm Bí thư. Tháng 8/1964, Thường vụ Khu ủy V chủ trương tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Đà, lập Thành ủy Đà Nẵng trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Khu ủy. Đồng chí Hồ Nghinh vừa làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà vừa làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Đối với tỉnh Quảng Đà, tháng 3/1967, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Đà bầu đồng chí Trần Thận làm Bí thư, đồng chí Mai Văn Chơn làm Phó Bí thư. Tháng 10/1967, Khu ủy V quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy V chỉ định làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Lúc này, Đặc Khu ủy Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (Quận I, Quận II, Quận III), chia Hòa Vang thành 3 khu (Khu I, Khu II, Khu III), đồng thời tiến hành củng cố tổ chức các cấp ủy địa phương và đơn vị. Trên thực tế, chiến trường miền Nam lúc bấy giờ chỉ có hai đặc khu: Đặc khu Sài Gòn - Gia Định và Đặc khu Quảng Đà. Điều này thể hiện Trung ương Đảng và Khu ủy V đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, tính chất quan trọng chiến lược của hai nơi này. Như vậy, việc thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi; giữa 3 thứ quân bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích; giữa 3 mũi giáp công chính trị - quân sự - binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng, trực tiếp là phục vụ cho Xuân Mậu Thân 1968 theo chủ trương của Trung ương Đảng.

II. ĐẶC KHU ỦY QUẢNG ĐÀ LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CÁCH
MẠNG QUẢNG ĐÀ, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM
HÓA CHIẾN TRANH”

1. Đặc Khu ủy Quảng Đà củng cố lực lượng, lãnh đạo Tổng tiến công
năm 1968.

1.1. Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu
Thân năm 1968.

Sau khi Đặc Khu ủy Quảng Đà được thành lập, công tác chuẩn bị Tổng tiến
công và nổi dậy rất khẩn trương. Trước đó, tháng 7/1967, Khu ủy và Bộ Tư lệnh
Quân khu V thành lập Mặt trận 44 Quảng Đà (gọi tắt là Mặt trận 4) nhằm thống
nhất chỉ huy ba thứ quân (lực lượng vũ trang của Tỉnh đội Quảng Đà, Thành đội
Đà Nẵng và một số đơn vị chủ lực của Quân khu V). Do Đà Nẵng là một thành phố, là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ - chính quyền Sài Gòn nên kế hoạch tiến công, nổi dậy được đề ra cũng khác so với các địa phương khác. Tinh thần chỉ đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà lúc này là “Đánh vào Đà Nẵng nhằm làm tê liệt và thiệt hại nặng các cơ sở hậu cần, trận địa pháo, sân bay; chiếm lĩnh một số điểm khống chế thành phố; cắt đứt các đường giao thông vào thành phố. Sử dụng một bộ phận bộ binh phối hợp với biệt động thành đánh chiếm một số mục tiêu chủ chốt trong thành phố và trụ lại để hỗ trợ quần chúng bên ngoài vào bên trong nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu quân sự,chính trị, cướp chính quyền của địch”. Với quyết tâm “tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa”, giành chính quyền về tay nhân dân cho Xuân Mậu Thân 1968, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương chỉ đạo tập trung huy động mọi lực lượng chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy. Theo kế hoạch, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân được xác định là vào đêm giao thừa theo niên lịch miền Nam, tức là vào đêm 29 rạng ngày 30/01/1968. Song chiều 29 Tết, Khu ủy V và Bộ Tư lệnh Quân khu V nhận được lệnh của Bộ Tổng tham mưu lui thời gian nổ súng lại 24 giờ để phối hợp toàn miền.Tại thành phố Đà Nẵng, lúc 2 giờ 20 phút ngày 30/01/1968, ta pháo kích vào sân bay Nước Mặn phát lệnh tiến công và nổi dậy. Trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ở Quảng Đà, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5000 tên, gồm Quân đội Sài Gòn, quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên, phá hủy và bắn rơi 192 máy bay, đánh cháy 40 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 49 khẩu pháo và nhiều kho tàng của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Cuộc tiến công và nổi dậy tại Đà Nẵng nói riêng, Quảng Đà nói chung đã huy động rất lớn tinh thần yêu nước và ý chí tiến công tiêu diệt giặc của quân dân ta.

1.2. Lãnh đạo chiến dịch Hè X1 và Thu X2

Lúc 0 giờ 30 phút ngày 5/5/1968, chiến dịch X1 mở màn. Trên chiến trường
Quảng Đà, ta bao vây chi khu quận lỵ Thượng Đức nhằm kéo lực lượng cơ động
của quân Mỹ về hướng này, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng khác đánh địch. Trung đoàn 36 vừa từ miền Bắc vào đã đánh Trung đoàn 5 thủy quân lục chiến Mỹ ở dọc hai bên bờ sông Thu Bồn. Tiểu đoàn Lam Sơn diệt một tiểu đoàn quân đội Sài Gòn tại thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang).
Đến giữa năm 1968, quân Mỹ xây dựng “hàng rào điện tử McNamara” từ
biển Hội An lên đến sông Yên để phòng thủ có chiều sâu thành phố Đà Nẵng.
Tháng 8/1965, sau khi hoàn thành các tuyến rào điện tử, Mỹ - chính quyền Sài Gòn tuyên bố Đà Nẵng “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu xây dựng, chúng đã vấp phải sự chống phá quyết liệt của quân và dân ta.
Cùng thời gian này, Bộ Chính trị chủ trương mở chiến dịch Thu 1968 (X2),
đòn chính vẫn nhằm vào đô thị, nông thôn là chiến trường quan trọng, thành phố là chiến trường trọng điểm; tiến hành tiến công và nổi dậy đồng loạt trên các chiến trường phối hợp, trong đó thành phố Đà Nẵng phải tập trung giành thắng lợi nổi bật. Trong bối cảnh đó, Đặc Khu ủy Quảng Đà mở màn chiến dịch X2 vào ngày 17/8/1968 với việc Trung đoàn 141 và Trung đoàn 21 của Sư đoàn 2 cùng với bộ đội và du kích Đại Lộc tiến công chi khu quận lỵ Thượng Đức, buộc quân Mỹ phải nhảy lên ứng cứu. Trung đoàn 36 cùng bộ đội, du kích 2 huyện Duy Xuyên và Điện Bàn đánh Trung đoàn 5 thủy quân lục chiến Mỹ tại Gò Nổi (Điện Bàn) và tây Duy Xuyên. Đêm 22 rạng ngày 23/8, ta pháo kích vào các sân bay, bến cảng và nhiều khu hậu cần của địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, với các chiến dịch X1, X2, quân
dân toàn Đặc khu đã liên tiếp tiến công địch, góp phần cùng quân, dân miền Nam
và cả nước giáng một đòn quyết định, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang
chiến tranh, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội
nghị Paris. Về ta, mặc dù chưa đạt yêu cầu, phải hy sinh to lớn, song với thắng lợi Xuân Mậu Thân và X1, X2, ta đã đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, xoay chuyển lại được cục diện tình hình kể từ khi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng. Đó là một biểu hiện sáng ngời của ý chí và sức mạnh quật khởi của Đảng bộ, quân và dân Quảng Đà anh hùng.

2. Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo chống đánh phá, bình định của Mỹ và
quân đội Sài Gòn (1969-1972)

Đầu năm 1969, Khu ủy V chỉ đạo các chiến trường tích cực chuẩn bị mọi mặt
để mở đợt tiến công Xuân Kỷ Dậu 1969, đánh vào các đô thị bị địch chiếm đóng.
Đặc Khu ủy Quảng Đà đã tổ chức lãnh đạo, huy động hàng ngàn dân công cùng với bộ đội vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí từ tuyến vận tải chiến lược Trường
Sơn xuống vùng giáp ranh.
Đêm 22 rạng ngày 23/02/1969, quân và dân Quảng Đà phối hợp với chiến
trường toàn miền, đồng loạt mở đợt tiến công Xuân Kỷ Dậu. Các lực lượng đặc
công, biệt động, pháo binh và bộ binh mũi nhọn của các cánh quân liên tục đánh
vào sân bay, bến cảng, kho dự trữ, sở chỉ huy các quân đoàn, các trận địa pháo của
địch.
Tháng 3/1970, Đặc Khu ủy Quảng Đà xác định tiến công địch trên cả ba vùng
chiến lược, lấy nông thôn làm địa bàn và hướng tiến công chủ yếu; chú trọng xây
dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó cốt yếu là tăng cường
sức mạnh và hiệu suất chiến đấu của bộ đội tập trung tỉnh, huyện; tạo cho được sự
chuyển biến mạnh mẽ phong trào du kích chiến tranh trên khắp các địa bàn. Những
cán bộ, đảng viên dày dạn kinh nghiệm đấu tranh được điều động tăng cường cho
những vùng xung yếu.
Đến tháng 4/1970, lợi dụng thời cơ quân chủ lực của địch đang bị sa lầy ở
chiến trường Campuchia, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương mở chiến dịch hoạt
động Hè tiêu diệt bọn ác ôn, tề điệp, bình định, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh
giành chính quyền làm chủ. Nhiều xã, thôn tổ chức những đội quyết tử phối hợp
cùng với cơ sở và an ninh vũ trang luồn sâu lót lát vào các khu tập trung, khu dồn
dân, tìm diệt những tên ác ôn, tạo thế cho phong trào quần chúng. Trong thời gian
này, để tăng cường quân số cho bộ đội tập trung, Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ thị cho
các địa phương “tìm mọi cách rút thanh niên từ vùng yếu, vùng địch còn tạm thời
kiểm soát; rút bớt một số du kích B, một số cơ sở bên trong, nhất là trong phòng vệ
dân sự và động viên tất cả thanh niên ngoài du kích còn ở vùng ta bổ sung vào bộ
đội cho đủ quân số”.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định xúc tiến việc chuẩn bị mở
cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam, nhằm đánh bại
chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi to lớn hơn cho sự
nghiệp kháng chiến chống Mỹ, trong đó mặt trận Quảng Đà là chiến trường phối
hợp quan trọng ở đồng bằng Khu V. Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo các ngành,
các giới tích cực chuẩn bị chiến dịch, lực lượng vũ trang đêm ngày huấn luyện
nâng cao chất lượng, sẵn sàng chiến đấu.
Trước thắng lợi to lớn trên chiến trường, Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định
mở tiếp đợt 2 của chiến dịch tiến công tổng hợp với phương châm “tranh thủ thời
cơ, mạnh bạo xốc tới, đẩy mạnh tiến công giành thắng lợi to lớn, dồn dập, không
để cho địch kịp tổ chức lại lực lượng đối phó với ta”.
Đến cuối năm 1972, chiến dịch phối hợp với cuộc tiến công chiến lược của
toàn miền trên địa bàn Quảng Nam kết thúc thắng lợi. Quân ta tiêu diệt một bộ
phận lớn sinh lực của địch, phá vỡ các khu dồn dân, vùng giải phóng được mở ra
rộng lớn. Lực lượng chính trị tuy chưa nổi dậy được như kế hoạch, nhưng đã
trưởng thành hơn trước, lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh hơn bao giờ hết,
tạo được thế đứng chân vững chắc ở đồng bằng, góp phần thắng lợi trong việc ký
kết Hiệp định Paris ngày 27/01/1973. Trong đợt này, quân và dân Quảng Đà đã
vượt qua chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và ác liệt, có lúc tưởng chừng như
không thể vượt qua nổi. Có thể nói, giai đoạn cuối năm 1968 đến năm 1972 là thời
kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ của
nhân dân Quảng Đà.

3. Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo phong trào đấu tranh giành dân,
giành đất (1973-1974)

Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo lực lượng vũ trang mở hướng hoạt động
trọng điểm ở vùng tây và nam Điện bàn, tây Duy Xuyên để phối hợp với hướng
trọng điểm ở Quảng Nam. Tại khu vực trọng điểm, bộ đội tiêu diệt đồn Trường
Giảng, cứ điểm ngã ba Trùm Giao, Cấm Lớn, khu dồn Điện Tân, Điện Nhơn (vùng
A, B Điện Bàn). Trận đánh diệt 1 chi đội xe bọc thép cùng 150 tên địch trên cánh
đồng Điện Phong đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về trình độ chiến đấu
của lực lượng vũ trang Quảng Đà. Du kích của các xã Điện Tiến, Điện Thọ, Điện
An, Điện Bình cũng liên tục tấn công địch.
Trên chiến trường Quảng Nam và Quảng Đà có 3 khu chiến: Khu chiến 1:
Nông Sơn - Trung Phước do Sư đoàn 2, Trung đoàn pháo binh 572, Trung đoàn
pháo cao xạ 573 đảm nhiệm. Khu chiến 2: Thượng Đức do Sư đoàn 304 đảm
nhiệm. Khu chiến 3: tây quận lỵ Quế Sơn do Trung đoàn 38 thuộc Sư đoàn 2 đảm
nhiệm.
Tại cứ điểm Thượng Đức, sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, Sư đoàn 304 đã
làm chủ hoàn toàn Chi khu quân sự Thượng Đức, tiêu diệt tiểu đoàn biệt động
quân 79, san bằng hệ thống cứ điểm kiên cố án ngữ ở phía tây nam Đà Nẵng.
Trong chiến dịch, Sư đoàn 304 đã diệt và bắt sống 1.600 tên địch, bắn rơi 13 máy
bay, thu 11 pháo. Phối hợp chặt chẽ với hoạt động của Sư đoàn 2, lực lượng vũ
trang Quảng Đà tiêu diệt và bức rút 70 cứ điểm, mở rộng vùng giải phóng Điện
Bàn. Ta bắn phá sân bay Đà Nẵng (19/7), đánh chìm một tàu quân sự ở cảng Đà
Nẵng (22/7), phá sập các cầu Thủy Tú, Giao Thủy, Bà Bầu.

4. Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải
phóng thành phố Đà Nẵng
Tại Quảng Đà, sau chiến thắng Thượng Đức, phong trào cách mạng phát triển
cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ tháng 3/1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo các
quận, huyện, thị đẩy mạnh 3 mũi giáp công, mở ra từng khu vực, chuẩn bị thực lực
giành thắng lợi lớn khi thời cơ đến. Lực lượng du kích cùng với lực lượng vũ trang
các huyện liên tục đánh địch, buộc địch co cụm để ta chuẩn bị hành lang, bàn đạp
cho chiến dịch; cơ sở cốt cán của ta ở vùng ven tập trung mua lương thực, xăng
dầu, thuốc men cất giấu để phục vụ cho chủ lực.
Ngày 24/3/1975, tại cuộc họp ở căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên), Thường vụ
Đặc Khu ủy Quảng Đà đã bàn kế hoạch tổ chức huy động quần chúng bên trong
nổi dậy làm chủ thành phố khi các cánh quân chủ lực tiến vào.
Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương do
đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc Khu ủy làm Chính ủy; đồng chí Phan Hoan,
Thường vụ Đặc Khu ủy, Tư lệnh Mặt trận 4 làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Lê Công
Thạnh, Ủy viên Đặc Khu ủy, Phó Chính ủy Mặt trận 4 làm Phó Chính ủy để chỉ
huy thống nhất lực lượng vũ trang địa phương, hợp đồng chặt chẽ với các cánh
quân chủ lực trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.
Thường vụ Khu ủy V và Đặc Khu ủy Quảng Đà họp và nhận định: thời cơ lớn
đã đến, phải nắm cơ hội “ngàn năm có một” này, dù chủ lực chưa đến kịp thời, lực
lượng vũ trang địa phương cùng lực lượng chính trị vẫn cương quyết nổi dậy theo
phương châm “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Ngày 27/3/1975, trên
đài phát thanh giải phóng, Đặc Khu ủy Quảng Đà công khai kêu gọi quần chúng
khắp nơi, đặc biệt là nội ô Đà Nẵng hãy: “Huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao
vây, gọi hàng bức rút làm tan rã toàn bộ quân địch đóng trên địa bàn, mở đường
cho quân chủ lực tấn công giải phóng Đà Nẵng”.
Sáng ngày 28/3, từ căn cứ Hòn Tàu, tất cả cán bộ chỉ huy của Sở Chỉ huy tiền
phương Đặc Khu ủy và Mặt trận 4 Quảng Đà chia làm 2 hướng tiến về Đà Nẵng.
Lúc này, quân địch trong thành phố đã hoang mang, dao động cực độ. Đến ngày
28/3/1975, Đà Nẵng thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ta làm công tác binh vận
để 3000 lính tân binh đóng tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, cửa ngõ phía nam
của Đà Nẵng nổi dậy làm binh biến, cuống cuồng bỏ chạy, bắn lại chỉ huy.
Sáng sớm ngày 29/3, tại số nhà 245 Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đồng chí
Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc Khu ủy, Bí thư Quận I đã phát lệnh khởi nghĩa
trong nội thành. Ủy ban khởi nghĩa các quận, khu phố và các cơ sở của ta đã nhanh
chóng tổ chức đưa quần chúng xuống đường chiếm lĩnh các cơ quan, công sở của
địch. Các cơ sở của ta đã nhanh chóng vận động nhân dân dùng mọi phương tiện
vận chuyển đón bộ đội vào thành phố. Trưa ngày 29/3/1975, quân chủ lực cùng với
tự vệ và biệt động thành phố đã tiếp quản Tòa Thị chính. Lá cờ Mặt trận dân tộc
giải phóng miền Nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa Thị chính, chính
thức báo hiệu thành phố Đà Nẵng được giải phóng.
Ngay sau khi giải phóng, Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo tốt an ninh trật tự,
nhanh chóng ổn định tình hình để không xảy ra nạn đói, cướp bóc; làm tốt việc
đăng ký, quản lý, giáo dục các đối tượng phục vụ chế độ cũ, các đảng phái chính
trị phản động; chỉ đạo tốt việc cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công
giải phóng các tỉnh phía Nam và thành phố Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Sau gần 6 tháng lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trên chiến trường
Quảng Đà sau chiến tranh, chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1945
của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh; ngày 4/10/1975, Ủy ban nhân dân
cách mạng Lâm thời khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp
nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Như vậy, Đặc khu Quảng Đà, đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu V và thứ hai
của miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong một thời kỳ lịch sử
đầy ác liệt nhưng cũng đầy vinh quang và sáng tạo.



III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẶC KHU ỦY
QUẢNG ĐÀ, ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN, QUÂN VÀ DÂN TỈNH QUẢNG
NAM QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI
XIII CỦA ĐẢNG VÀ NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XXII CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH

Đặc Khu ủy Quảng Đà có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với phong trào
cách mạng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn kháng chiến
chống Mỹ cứu nước 1967-1975. Tri ân, tôn vinh, biết ơn về những cống hiến, đóng
góp, sự hy sinh to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Đà trong sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh
Quảng Nam ra sức phấn đấu, cố gắng nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng
bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII với các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại
Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 30/6/2021 của Tỉnh ủy:
1.1. Cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII: (1) Tổ
chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây
dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. (2) Tập trung thực
hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao
chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao
động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. (3) Bảo đảm quốc phòng an
ninh, trật tự an toàn xã hội; công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
cải cách tư pháp và hoạt động đối ngoại. (4) Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Quảng Nam;
quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng
cuộc sống Nhân dân. (5) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dân chủ xã hội
chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. (6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp
lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

1.2. Tập trung cụ thể hóa thực hiện 03 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng: (1) Rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo
lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành
phần kinh tế. (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao;
tập trung phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. (3)
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ
tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025

(1) Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. (2) Đẩy mạnh thực
hiện 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược là: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng
bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
gắn với phát triến nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. (3) Phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng
ven biển của tỉnh; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du,
miền núi. (4) Cơ cấu lại nền kinh tể, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch
cơ cấu kinh tế gắn với chuyến dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành
dịch vụ - du lịch. (5) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo. (6) Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao mạnh mẽ khoa học
và công nghệ, thông tin truyền thông. (7) Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa,
con người Quảng Nam. (8) Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm công bằng
xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo
bền vững. (9) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ
động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. (10) Bảo đảm quốc
phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (11) Tăng cường
công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách tư pháp. (12) Phát
huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm
chủ của Nhân dân. (13) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành
của hệ thống chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tinh giản biên
chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. (14) Nâng
cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tác giả: Nguyễn Văn Bảy

Nguồn tin: Ban biên tập

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

0000205633

Hôm nay: 6
Tháng này: 1341
Năm này: 25254