CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – hạnh phúc
LÝ LỊCH DI TÍCH
I. Tên gọi di tích.
ĐỊA ĐẠO NÚI NGỌC SƠN
Tên thường gọi: Địa đạo Ngọc Sơn.
II. Địa điểm và đường đi đến di tích.
1. Địa điểm.
Địa đạo nằm ở vị trí tổ 8, thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
2. Đường đi đến di tích.
Từ thị trấn Hà Lam (Trung tâm huyện Thăng Bình) đi về hướng Đông tới địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn có thể đi theo hai đường:
- Một là: Từ ngã tư Hà Lam theo đường 14E hướng phía Đông đi khoảng 2,5km đến UBND xã Bình Phục rẽ hướng tay trái đi tiếp 3km là tới tổ 8 thôn Ngọc Sơn Đông nơi có di tích địa đạo Ngọc Sơn xã Bình Phục.
- Hai là: Từ ngã tư Hà Lam đi theo quốc lộ 1A ra Bình Nguyên (ngã ba Bình Nguyên) rẽ phải theo hướng đi Bình Giang khoảng 4 km là tới tổ 8 thôn Ngọc Sơn Đông nơi có di tích.
III. Phân loại di tích.
Di tích lịch sử cách mạng
IV. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích.
1. Khái quát xã Bình Phục, huyện Thăng Bình.
Xã Bình Phục nằm về phía Đông của huyện Thăng Bình, thuộc vùng Trung của huyện; cách huyện lỵ Thăng Bình 2,5 km; cách tỉnh lỵ Quảng Nam 30km về phía Đông Bắc.
Xã Bình Phục có vị trí: Phía Đông giáp xã Bình Triều, Bình Giang; phía Tây giáp xã Bình Nguyên và thị trấn Hà Lam; phía Nam giáp xã Bình Tú, Bình Triều, huyện Thăng Bình; phía Bắc giáp xã Hương An, huyện Quế Sơn.
Diện tích tự nhiên toàn xã là 18,15km2; trong đó, diện tích đất canh tác là 769 ha; với chiều dài theo hướng từ phía Bắc vào Nam là 8 km.
Đất đai thổ nhưỡng ở Bình Phục được phân rõ có 3 loại: đất thổ cư, đất ruộng và đất trồng cây lâu năm. Sản phẩm nông nghiệp từ bao đời nay ngoài lúa gạo ra còn lại phần lớn là khoai, sắn và các loại rau quả. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đất thổ của xã Bình Phục là đất trồng bông dệt vải nỗi tiếng một thời. Do cấu trúc đất đai thổ nhưỡng nên tập quán làm ăn của cư dân Bình Phục chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Một số ngành nghề khác dần dần phát triển như nghề mộc, nghề xây dựng, nghề buôn bán nhỏ, làm hương...tuy có phát triển nhưng không đáng kể.
Về khí hậu, thôn xã Bình Phục thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hằng năm 280C; lượng mưa trung bình 2.500mm, độ ẩm trung bình 83%; lượng mưa phân bổ không đều giữa các mùa trong năm. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau, luôn xuất hiện nhiều trận bão lụt ngập úng, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất cây trồng, con vật nuôi và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Mùa nắng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 của năm, tiết trời nắng nóng, thường xảy ra tình trạng hạn hán, dẫn đến thiếu nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong xã.
Về giao thông trên bộ, sau ngày giải phóng quê hương (3/1975) xã Bình Phục ngoài 2 km đường QL1A và 3km đường ĐT 613 chạy qua; các tuyến đường liên thôn, liên xã chủ yếu là đường đất tạm bợ, đi lại khó khăn, đến nay (2018) trên địa bàn xã có tuyến đường Cứu hộ cứu nạn, đường QL1A nối đường 129 đã nhựa hóa; gần 20 km đường liên xã, liên thôn, liên xóm được bê tông hóa tạo nhiều thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.
Về tài nguyên khoáng sản, xã Bình Phục có nguồn đất cát trắng, trữ lượng tương đối lớn; những năm về trước nhân dân khai thác cát chủ yếu để phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa. Trong những năm trở lại đây, cùng với việc phát triển chung của đất nước, nhiều cụm khu công nghiệp đã mọc lên nhiều nơi trong đó có huyện Thăng Bình và xã Bình Phục là nơi khu công nghiệp triển khai xây dựng, do đó đã có nhà máy chế biến cát tại chỗ để xuất khẩu sang nước ngoài.
Dân cư sinh sống trên mảnh đất Bình Phục, theo chiều dài lịch sử của dân tộc luôn biến chuyển về lượng qua từng thời kỳ. Nếu như năm 1954 dân số có chưa đến 5000 người, thì đến nay( 2018) toàn xã có mật độ dân số 550 người/km2.
Dân số thôn Ngọc Sơn xã Bình Phục chiếm số đông là nông dân sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa và các loại hoa màu phụ; chăn nuôi gia súc (trâu, bò…) chủ yếu làm sức kéo; heo, gà, vịt là sản phẩm trao đổi hàng hóa nhỏ, lẻ. Một đặc trưng được phác họa bởi nền sản xuất nhỏ phân tán, manh muống tồn tại nhiều năm trong đời sống xã hội của cộng đồng cư dân thôn Ngọc Sơn xã Bình Phục.
Vùng đất Thôn Ngọc Sơn, xã Bình Phục ngày nay là kết quả của quá trình biến đổi địa giới, tên gọi theo dòng lịch sử của dân tộc. Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trải và “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, vào đầu thế kỷ thứ XV (1402) dưới thời Hồ Hán Thương, các tỉnh Nam Trung bộ thuộc đất Chiêm Động (Quảng Nam), được gọi là Nam giới (biên giới) của nước Đại Việt. Đầu thế kỷ XV (1430), triều đại Nhà Hồ sau khi thương thảo với triều đại Chiêm Thành giao nhượng hai động: Chiêm động (Bắc Quảng Nam) và Cổ Luỹ động. Từ đó, Nhà Hồ chia Chiêm động và Cổ Luỹ động thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh 4 châu. Châu Thăng được chia thành 3 huyện: Lệ Giang, Đông Hà và An Bị. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức năm thứ 2) tiến hành cuộc Nam chinh với Chiêm Thành giành chiến thắng đã tổ chức cải cách hành chính tại các Châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa nhằm sớm ổn định vùng đất phía Nam, sáp nhập Châu Thăng và Châu Hoa thành lập phủ Thăng Hoa thuộc đạo Thừa Tuyên Quảng Nam (đạo thứ 13 của nước Đại Việt) gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, có 9 huyện; trong đó, phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Lệ Giang, Hà Đông, Hy Giang, thôn Ngọc Sơn, xã Bình Phục ngày nay thuộc huyện Lệ Giang. Đến năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng, dinh Quảng Nam được đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1832 trấn Quảng Nam được đổi thành tỉnh Quảng Nam và hình thành 2 phủ: Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện là Quế Sơn, Hà Đông và Lễ Dương; thôn Ngọc Sơn xã Bình Phục thuộc huyện Lễ Dương lúc bấy giờ. Năm 1906 huyện Lễ Dương được đổi tên thành phủ Thăng Bình. Về mặt hành chính, phủ Thăng Bình gồm 7 tổng, 5 thuộc với 186 xã; trong đó, 7 tổng gồm: An Thái Trung, An Thịnh Hạ, An Việt Thượng, Hưng Thịnh Hạ, Phú Mỹ Trung; 5 thuộc gồm: Chu Tượng, Hà Bạc, Hoa Châu, Hội Sơn Nguyên, Liên Hộ.
Đến năm 1915, dưới thời Pháp thuộc, phủ Thăng Bình có 7 tổng với 195 xã, thôn và 16.110 xuất đinh. Đến năm 1920, thực dân Pháp chủ trương cắt một số xã Tây Nam phủ Thăng Bình và phủ Tam Kỳ thành lập huyện Tiên Phước thì phủ Thăng Bình có 7 tổng với 165 xã, thôn Ngọc Sơn lúc này là xã Ngọc Sơn thuộc tổng Phú Thăng
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 5 xã phía Đông của Duy Xuyên được nhập vào Thăng Bình và phủ Thăng Bình được đổi thành huyện Thăng Bình. Theo chủ trương chung, năm 1946 huyện Thăng Bình tiến hành hợp các xã lần thứ nhất, từ 137 làng (xã) hợp thành 58 xã mới. Xã Bình Phục bao gồm 03 thôn: Phước Thăng, Ngọc Sơn và Mỹ Hiệp. Năm 1948, theo Quyết định của Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tiến hành hợp xã lần 2, huyện Thăng Bình từ 58 xã hợp lại thành 19 xã mới, lấy từ Thăng là từ đầu của xã. Lúc này Bình Phục ngày nay gồm Ngọc Sơn thuộc xã Thăng Mỹ; Tư Chánh, La Mật thuộc xã Thăng Quang; Tất Viên thuộc xã Thăng Hoa. Năm 1950 tiến hành hợp xã lần thứ 3, huyện Thăng Bình từ 19 xã sáp nhập lại còn 11 xã mới; xã Bình Phục ngày nay gồm thôn Ngọc Sơn thuộc xã Thăng Triều; thôn Tất Viên, Tư Chánh, La Mật thuộc xã Thăng Điền.
Ngày 24/6/1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra Nghị định số 335-NĐ/PG, đổi tên các huyện thành quận và thay đổi tên một số xã. Theo đó, quận Thăng Bình có 21 xã, thôn Ngọc Sơn thuộc xã Bình Phục.
Về phía ta, cuối năm 1962, thực hiện chủ trương của Khu ủy khu V, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành 2 tỉnh: Quảng Nam và Quảng Đà. Theo đó, xã Bình Phục thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình (26/3/1975), xã Bình Phục thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và có 3 thôn đó là: thôn Ngọc Sơn, Tất Viên và Bình Hiệp. Năm 2007 thôn Ngọc Sơn được chia tách thành 2 thôn là Ngọc Sơn Tây và Ngọc Sơn Đông, địa đạo Ngọc Sơn nằm ở thôn Ngọc Sơn Đông.
2. Những sự kiện lịch sử liên quan đến di tích.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các xã vùng đông Thăng Bình là cái nôi cách mạng của huyện và cũng là nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất, ác liệt nhất. Vì vậy, thôn Ngọc Sơn, xã Bình Phục luôn là cửa ngõ, là bàn đạp để địch tấn công các xã vùng đông.
Từ 1945 đến 1954, nhân dân xã Bình Phục vùng dậy cướp chính quyền tháng 8 năm 1945 và tiếp tục tham gia các mặt công tác theo nhu cầu của công cuộc kháng chiến như: đi dân công tiếp vận phục vụ chiến trường ngắn hạn, dài hạn, đóng góp quỹ quân lương, nuôi quân kháng chiến, phá đường quốc lộ... Lực lượng du kích thì tham gia dự chiến đánh địch ở vùng bị chiếm gồm các huyện Duy Xuyên, Hòa Vang, Điện Bàn và giúp đỡ nhân dân trong sản xuất ở vùng bị tạm chiếm, lực lượng thanh niên thì đăng ký vào bộ đội huyện, tỉnh và quân khu. Nhân dân thì ra sức tăng gia sản xuất để có lương thực ăn và đóng góp cho kháng chiến, đồng thời nâng cao cảnh giác bố phòng vùng tự do, làm hầm chông, hầm trú ẩn, giao thông hào để du kích bộ đội đánh địch khi chúng tấn công vào vùng tự do.
Giữa năm 1947, vùng tự do liên khu 5 được hình thành và trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 7 năm 1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ II đề ra chủ trương chống địch lấn chiếm, bảo vệ tài sản nhân dân, ngăn chặn giam chân địch, phát triển chiến tranh du kích động viên nhân dân ủng hộ cách mạng. Tại xã Bình Phục, Nghị quyết được quán triệt đến tận cán bộ, đảng viên, du kích và các lực lượng cách mạng. Một số thôn nằm trong vùng tự do được xã chỉ đạo xây dựng lực lượng, tập trung công tác bố phòng, phát triển các hoạt động nơi vùng tự do để tạo thanh thế cho cách mạng, nhất là xây dựng lực lượng dân quân du kích, tổ chức đào công sự, giao thông hào chiến đấu, dựng các chướng ngại vật, xây dựng công sự sẵng sàng đánh địch khi chúng lấn chiếm. Đúng như dự đoán, cuối tháng 10 năm 1947, quân Pháp tập kích vào vùng đông huyện Thăng Bình, càn quét các xã Ngọc Sơn, Mỹ Hiệp( thuộc Bình Phục ngày nay ). Địch vơ vét, cướp bóc, phá hoại tài sản của nhân dân nên lực lượng du kích của các xã phối hợp cùng bộ đội huyện đánh trả quyết liệt, đã tiêu diệt hàng chục tên địch và thu nhiều chiến lợi phẩm.
Để đảm bảo cho cuộc kháng chiến lâu dài, vào tháng 10 năm 1947 địa đạo Ngọc Sơn được xây dựng. Công trình do du kích và nhân dân trong vùng đào gần 1 năm với chiều dài hơn 1000m, chiều rộng hơn 1m , chiều cao hơn 1,2m, nằm sâu trong lòng núi.
Người trực tiếp chỉ huy đào là đồng chí Mai Ha ( Sau này là thượng tá trong quân đội và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền nam).
Theo lời kể của các bật cao niên thì khi đào, để đảm bảo bí mật nên đất đào lên được đưa xuống ghe chở đổ quanh Bàu Bàng. Tuy nhiên, việc đào hầm mang tính bí mật quân sự, những người trực tiếp đào hiện nay không còn sống nên không thể biết được khi đó có bao nhiêu người tham gia đào.
Đến năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, quân Pháp chịu thua và kí vào hiệp định Giơnevơ tạm thời chia cắt hai miền để sau 2 năm tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, nhưng đế quốc Mỹ phản bội lại hiệp định hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm lên nắm quyền với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng phản bội lại các điều khoản đã được các bên ký kết, đến ngày 04/9/1954, bọn tiểu đoàn 611 do tên Hải chỉ huy vào tiếp thu huyện thăng Bình, là huyện địa đầu của vùng tự do trong kháng chiến. Chúng kéo quân xuống đóng ở chợ Được và chặt cây làm cầu Bàu Bàng mà không qua ý kiến của chủ có cây nên các chủ có cây đã ra ngăn cản và được bà con thôn Tất Viên, xã Bình Phục hỗ trợ đấu tranh đòi bọn lính 6 túi phải bồi thường, không những không được bồi thường mà bọn chỉ huy còn ra lệnh xả súng vào đám người đấu tranh. Được tin cuộc đấu tranh xảy ra thì nhân dân thôn Ngọc Sơn các thôn của xã và các xã khác trong và ngoài huyện đã kéo về chợ Được tham gia đấu tranh đòi địch phải chấp nhận các yêu cầu của ta.
3. Những sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra tại Địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn.
Tháng 4 năm 1952 quân đội Pháp nghi vấn khu vực núi Ngọc Sơn có địa đạo, có cơ sở cách mạng hoạt động nên chúng nã canh nông và thả bom đánh phá dữ dội khu vực núi Ngọc Sơn, lúc này bộ đội của tỉnh đang huấn luyện tại rừng xoài đã kịp vào địa đạo trú ẩn, một số quả bom, canh nông rơi gần khu vực địa đạo nhưng không ảnh hưởng đến địa đạo, trong trận này không có chiến sĩ nào của ta bị thương nhưng đã làm chết bốn dân thường.
Tháng 8 năm 1964 tại Ngọc sơn, địch dùng một số đại đội đi càn nhưng du kích của ta cùng lực lượng D70, V15 phục đánh tan rã một đại đội lính Bảo An, diệt một số tên, bắt sống Hai Đường, Lê Văn Cầu, Phan Tiên ...là những tên Quốc dân đảng tàn ác và thu một số vũ khí.
Đến ngày 26/9/1964, xã Bình Phục được giải phóng, ngay sau đó ta đã thành lập chính quyền cách mạng của thôn, xã, ủy ban kháng chiến được thành lập chia làm 2 thôn Ngọc Sơn, Tất Viên, riêng thôn Bình Hiệp chưa được giải phóng. Đồng chí Trần Ngọc Bích làm bí thư chi bộ, đồng chí Trần Ngọc Thanh làm chủ tịch xã... lực lượng du kích cùng nhân dân bắt sống những tên tề ngụy, ác ôn như......... Tại thôn Ngọc Sơn nhân dân phấn khởi đổ ra đường đón mừng quân giải phóng. Sau đó thành lập tổ tự quản, xã tổ chức mít tinh để ra mắt chính quyền ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và các tổ chức quần chúng tại Ngọc Sơn, Tất Viên. Một số cán bộ cũ được phục hồi. Nhiệm vụ chính bấy giờ là cũng cố chính quyền nhân dân; phát động nhân dân tăng gia sản xuất, cứu đói; xây dựng lực lượng du kích vững mạnh; phát động nhân dân làm hầm chông, rào làng chiến đấu chống địch đi càn, giữ gìn an ninh trật tự..., lúc này ta thành lập hai trung đội tự vệ có một số cán bộ của đội công tác của huyện như đồng chí Nguyễn Hậu ( huyện ủy viên ), đồng chí Phan Tư ( Hiền ) lấy địa đạo làm căn cứ để trực tiếp chỉ huy phong trào ở Bình Phục cũng như ở vùng đông Thăng Bình, phát động các phong trào đóng góp lương thực, đóng quỹ nuôi quân, tổ chức tuyên truyền chuẩn bị giải phóng quận lỵ Thăng Bình, nhìn chung phong trào cách mạng ở Bình Phục lúc này phát triển khá mạnh.
Ông Nguyễn Nay ở tổ 9 thôn Ngọc Sơn Đông kể lại “ Lúc này tôi làm đội trưởng đội thiếu niên kiêm giao liên thôn Ngọc Sơn nên thường xuyên vào địa đạo để giao công văn, giấy tờ cho ông Nguyễn Hậu ”
Cuối năm 1964, địa đạo Ngọc Sơn được các đồng chí trong đội công tác của huyện và du kích xã tu sửa lại do bị mưa lũ vùi lấp một số đoạn để làm căn cứ chống Mỹ.
Năm 1966, bọn địch thường xuyên đi càn, du kích Bình Phục phối hợp với bộ đội huyện diệt gọn trung đội Ám kích do tên Nguyễn Chỉ chỉ huy tại Ngọc Sơn. Sau trận này địch không giám đi lẻ tẻ, mỗi khi bọn địch tổ chức đi càn thì phải chuẩn bị một lực lượng lớn và có đầy đủ các phương tiện chiến tranh lùng sục càn quét các thôn, làng. Tình hình cách mạng mỗi lúc một căng thẳng, du kích ta bị một số tổn thất, tinh thần nhân dân có người bị giảm sút. Cấp trên chủ trương phối hợp các lực lượng, cùng du kích các xã bám đánh địch để tạo uy thế cho cách mạng. Du kích ta có đồng chí Mai Luyến cùng tổ công binh Lê Tấn Hùng, Võ Viết Thanh, Lâm Văn Như... đánh địch đi càn, tại Nghĩa Từ đánh cháy một xe tăng và tiêu diệt một tiểu đội lính nghĩa quân khi đi càn. Sau thất bại nặng nề tại khu vực Nghĩa Từ, địch tăng cường càn quét khu vực Ngọc Sơn, chúng cho thả canh nông cày xới, đốt nhà dân... lúc này du kích và nhân dân trong thôn lấy địa đạo làm nơi tránh né và chống trả lại những làn đạn bom của địch.
Ngày 17/9/ 1967 lính Mỹ tổ chức một trận càn lớn tại Ngọc Sơn, gồm 6 xe tăng, hai máy bay trực thăng, chúng cho trực thăng đổ bộ lính ngoài động cát sau đó tiến vào làng lùng sục. Trước tình thế khó khăn và không cân sức, các đồng chí du kích của ta( khoảng hơn 10 người ) đã vào địa đạo để trú ẩn, tuy nhiên thời tiết lúc này vừa tạnh mưa nên khi xuống địa đạo đã để lại rất nhiều dấu chân nên đã bị lính Mỹ phát hiện, chúng bắn súng, thả lựu đạn làm một số du kích của ta bị thương như Trương Văn Châu, Trần Ngọc Trợ...sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính canh gác, đến nữa đêm lợi dụng sơ hở một số đồng chí đã trốn thoát như đồng chí Lê Tấn Hùng xã đội trưởng, Trương Tổng y tá ( sau này hai đồng chí đã hy sinh và được công nhận là liệt sĩ ) còn lại một số đồng chí đến sáng hôm sau chúng bắt dẫn đến nhà lao và dùng bom đánh sập miệng chính và một số đoạn khá dài của địa đạo.
Ông Trương Văn Châu kể lại : “ Lúc đó tôi bị thương khi chiến đấu cách hầm vài trăm mét nên được đồng đội dìu xuống hầm. Địch phát hiện nên chúng bắt đầu cho bom mìn đánh liên tục vào miệng hầm. Những đồng chí còn lại đã cố gắng xung phong, chiến đấu đẩy lùi địch ra khỏi hầm. sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính canh gác. Đêm hôm đó đồng chí Lê Tấn Hùng - xã đội trưởng và đồng chí Trương Tổng - Ytá đã đào đất trốn thoát, còn lại nhóm chúng tôi bị bắt vào sáng hôm sau. Lúc đó tôi chứng kiến địch dùng máy bay thả thuốc nỗ TNT đánh sập miệng hầm và một đoạn khá dài của địa đạo. ”
Theo ông Trương Văn Châu, hiện nay dưới địa đạo vẫn còn một cái Rađio và một cái bình đông nước của ông bỏ lại sau khi bị thương.
Sau khi bọn địch phát hiện ở Ngọc Sơn có địa đạo, có căn cứ cách mạng đóng quân nên chúng thường xuyên thả bom xăng và cho người chặt phá trơ trụi cây cối để dễ bề quan sát, đồng thời tăng cường hai trung đội nghĩa quân về đóng quân tại núi Ngọc Sơn.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết mậu thân 1968, Chi bộ đảng đã lãnh đạo, vận động nhân dân trong xã đóng góp quỹ nuôi quân, đi dân công hỏa tiến, vận tải vũ khí, lực lượng vũ trang của xã đôn về huyện, lực lượng vũ trang của thôn đôn về xã. Thanh niên xung phong tham gia các đội tải thương phục vụ chiến trường. Nhân dân rất hồ hỡi phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi của xuân Mậu Thân năm 1968, buộc Mỹ ngụy xuống thang và chịu ngồi lại đàm phán với ta tại hội nghị Paris.
Sau Mậu Thân, tháng 2 năm 1968 địch tăng cường đàn áp, bắn phá ác liệt hơn. Quy mô mỗi lần đi càn cả trung đoàn có máy bay trực thăng, xe bọc thép chà đi xát lại các xã vùng đông mà thường đi qua đất Ngọc Sơn gây cho ta nhiều tổn thất. Địch thực hiện chiến thuật gọng kèm tổ chức nhiều cánh quân, cánh Bình Phục xuống cổng 24,25 Bình Giang càn quét 5-7 ngày, chúng dùng xe bọc thép cày ủi san bằng các vùng nơi chúng nghi là có cộng sản. Ngoài ra, hàng ngày có từ 2-3 trung đội nghĩa quân, bảo an đóng tại các đồn núi ông Cai, núi Làng, Sằm Cóc, Sằm Cấy, Sằm chuối, Sằm Rỗi. Chúng đưa hết nhân dân vào ấp chiến lược.
Trong những năm 1968-1969 Mỹ ngụy tiếp tục đánh phá Bình Phục thực hiện âm mưu bình định cấp tốc, chúng sử dụng các loại máy bay, liên tục đánh bom các họng pháo từ Núi Quế, Tuần Dưỡng, Cẩm Hà và hạm đội ngày đêm liên tục bắn phá các loại pháo đào, pháo quét. Cuối năm 1969, từ Lân Bắc ta nã súng cối 81 ly lên quận lỵ giữa ban ngày trong khi nghĩa quân địch lùng sục tại Ngọc Sơn. Trước tình hình lấn chiếm của địch, cán bộ, du kích Bình Phục ém quân quy tụ về nhà Thủy Đức, Mai Công, Nguyễn Thị Lài và các nơi như Sằm Cóc, Sằm Cấy, Sằm Chuối, Xóm Trảng phục kích đánh địch. Lúc này du kích ta có đồng chí Mai Văn Mãnh, Mai Văn Công làm mìn tự tạo bằng thùng thiếc đánh địch tại sằm Cấy, tiêu diệt 7 tên địch khi chúng đi càn.
Đến năm 1970 địch kiểm soát hoàn toàn Bình Phục, ta mất đất nên toàn bộ cơ sở bị địch càn quét, kiểm soát gắt gao làm cho hoạt động của cán bộ, du kích gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cán bộ, du kích hy sinh. Để kịp thời chỉ đạo phong trào, huyện cử đồng chí Lê Kéo( Cán ) về hoạt động cũng cố cơ sở tại Bình Phục và Bình Giang, những chủ trương mới được triển khai, tổ chức củng cố móc nối lại các cơ sở cách mạng. Chính vì thế sang năm 1971, huyện chỉ đạo thành lập chi bộ ghép Bình Giang, Bình Phục để lãnh đạo phong trào cho sát thực tế.
Lúc này Bình Phục đứng trước thử thách khó khăn, địch ngày càng tăng cường bình định, quản lý rất chặt chẽ. Cả xã lực lượng cán bộ du kích đến nay chỉ còn 6 đồng chí, phần đông là chiến đấu hi sinh, số đồng chí còn lại phải dựa vào xã Phú Phong( Quế Phú ) để hoạt động. Đội công tác lúc này phải móc nối liên lạc từ các khu dồn lên Hương An ra Đà Nẵng, rồi về lại Duy Thành để bổ sung lực lượng nam, nữ thanh niên cho đội công tác và lực lượng vũ trang của huyện, mặt khác nắm được tình hình âm mưu của địch ở các khu dồn để có biện pháp đối phó. Nhờ có cơ sở bên trong hoạt động mạnh đưa một số hộ dân trong khu dồn về vùng giải phóng, từ đó thường xuyên móc nối cơ sở cho đến ngày 26/3/1975 xã Bình Phục được hoàn toàn giải phóng, suốt trong cuộc trường chinh chống Pháp và Mỹ, xã Bình Phục đã được nhà nước tặng thưởng cho cán bộ nhân dân xã Bình Phục:
+ 407 huân, huy chương các loại.
+ 255 liệt sĩ.
+ 43 mẹ Việt Nam anh hùng.
+ 52 thương, bệnh binh.
Xã Bình Phục là vùng đồng bằng trong những năm kháng chiến ác liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng thực hiện 3 bám: Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch thì nhờ vào các hầm hào địa đạo, Đảng với dân là một, Đảng không có dân như cá không có nước, muốn trụ bám được phải nhờ các hầm bí mật, địa đạo để trụ bám.
V. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích.
Địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn là di tích lịch sử cách mạng, do vậy tại di tích này không có các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.
VI. Khảo tả di tích
1. Địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Theo lời kể của ông Trần Ngọc Dũng, Trần Ngọc Trợ, Trương Văn Châu, Lê Tấn Trợ, Nguyễn Nay và một số nhân chứng khác thì : Di tích lịch sử địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn được xây dựng từ khoảng tháng 10 năm 1947 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do du kích và nhân dân trong vùng thực hiện xuyên suốt trong vòng hơn 1 năm . Với chiều dài hơn 1 km, chiều rộng hơn 1m, chiều cao hơn 1,2m.
Người trực tiếp chỉ huy đào là đồng chí Mai Ha ( Sau này là thượng tá trong quân đội và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường miền nam).
Địa đạo được đào vào ban đêm và để đảm bảo bí mật nên đất đào lên được đưa xuống ghe chở đổ quanh Bàu Bàng. Tuy nhiên, việc đào hầm mang tính bí mật quân sự, những người trực tiếp đào hiện nay không còn sống nên không thể biết được khi đó có bao nhiêu người tham gia đào.
Miệng hầm chính được ngụy trang bằng cái giếng nước, vì vậy muốn vào địa đạo phải nhảy xuống giếng rồi mới đi vào được. Địa đạo có 3 nhánh( trước đây nhân dân trong vùng hay gọi là hầm 3 góc): Một nhánh từ miệng chính xuống đến nhà ông Mai Văn Số, một nhánh đến sau nhà ông Mai Lam và một nhánh đến nhà ông Đặng Quát( Đặng Ngọc Hóa bây giờ). Nhà ông Đặng Quát trước đây là cơ sở hoạt động của cách mạng nên khi có việc gì thì các chiến sĩ của ta xuống hầm trú ẩn rất thuận lợi.
Trong hầm có phòng họp, giếng nước, vừa là nơi trú ẩn vừa là cơ quan quan trọng của cán bộ làm việc.
Theo lời kể của một số nhân chứng đã từng trú ẩn tại địa đạo thì vào năm 1967 lính Mỹ tổ chức một trận càng lớn tại Ngọc Sơn, một số đồng chí( hơn 10 người ) vào trong địa đạo để trú ẩn, tuy nhiên thời tiết lúc này vừa tạnh mưa nên khi xuống hầm nấp đã để lại rất nhiều dấu chân nên đã bị lính Mỹ phát hiện, chúng bắn súng, thả lựu đạn làm một số du kích của ta bị thương như Trương Văn Châu, Trần Ngọc Trợ...sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm, và cho người canh gác, đến nữa đêm lợi dụng sơ hở một số đồng chí đã trốn thoát như đ/c Lê Tấn Hùng xã đội trưởng, Trương Tổng y tá, còn lại một số đồng chí đến sáng hôm sau chúng giải đến nhà lao và dùng bom đánh sập miệng hầm chính và một đoạn khá dài của địa đạo.
Các miệng hầm hiện nay đa phần đã bị vùi lấp, tuy nhiên những đoạn bị Mĩ đánh sập giờ vẫn còn nguyên dấu vết hơn 100m đoạn hầm bị sập.
2. Hiện trạng di tích Địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn hiện nay.
Trải qua thời gian cùng với những biến cố lịch sử Địa đạo thôn Ngọc Sơn không còn nguyên vẹn như ban đầu. Cửa miệng hầm chính hiện nay còn lại là một hộc bom lớn do địch đánh mìn làm sập năm 1967, một số đoạn cũng bị bom mìn của địch đánh sập.
Trong thời gian qua, UBND xã Bình Phục đã tổ chức hai lần khai quật và đã phát lộ được hai cửa miệng phụ của hầm. Tuy nhiên, trãi qua mấy chục năm, đến nay không ai biết được còn bao nhiêu đoạn của địa đạo còn trụ vững.
VII. Sơ đồ bố trí di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích.
Di tích Địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn là di tích lịch sử nên không có di cổ vật và bảo vật quốc gia.
VIII. Giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa của di tích.
Địa đạo Ngọc Sơn không quy mô như Củ Chi, Vĩnh Mốc, Kỳ Anh nhưng là nơi che chở và chứng kiến sự trưởng thành của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng . Đây cũng là nơi ghi dấu biết bao sự kiện, biến cố trong đấu tranh và những kỷ niệm không thể nào quên của các chiến sĩ năm xưa. Địa đạo Ngọc Sơn thể hiện tinh thần đấu tranh anh dũng và mưu lược của nhân dân, biết dựa vào địa hình, chọn vùng rừng núi để làm căn cứ kháng chiến. Địa đạo Ngọc Sơn, nơi đánh dấu một thời kỳ lịch sử quan trọng của địa phương. Những dấu ấn về các cuộc đấu trang cách mạng anh dũng, cuộc sống xã hội của người dân Bình Phục, của mỗi giai đoạn vẫn luôn được khắc ghi và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về sự thông minh, sáng tạo trong đấu tranh với kẻ thù.
Di tích Địa đạo thôn Ngọc Sơn là một di tích có giá trị quan trọng không chỉ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Phục mà còn là di tích quan trọng của huyện Thăng Bình nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Địa đạo thôn Ngọc Sơn góp phần quan trọng vào việc hoạt động cách mạng tại thôn Ngọc Sơn, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình để giải phóng quê hương hình thành nên những cộng đồng dân cư chịu thương, chịu khó bám từng tất đất để giữ làng, bảo vệ quê hương trong kháng chiến.
Địa đạo thôn Ngọc Sơn góp phần vào việc giữ gìn truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa của người dân thôn Ngọc Sơn nói riêng và của toàn huyện nói chung. Đây là nơi thể hiện rõ nét tinh thần “Đại đoàn kết” của người dân trong kháng chiến và là bài học về tình yêu thương, đoàn kết gắn bó của con cháu hôm nay và mai sau.
IX. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Xác định đây là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của huyện Thăng Bình trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại Bình Phục. Vì vậy trong thời gian qua UBND huyện Thăng Bình đã chỉ đạo cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao phối hợp với UBND xã Bình Phục, cùng với một số nhân chứng lịch sử sống để tiến hành khảo sát thu thập tư liệu, những điểm quan trọng có liên quan đến di tích để lập hồ sơ xin xếp hạng di tích và khoanh vùng bảo vệ.
X. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa Thể thao phối hợp với UBND xã Bình Phục tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ di tích khỏi bị vùi lấp trong mùa mưa. Khoanh vùng bảo vệ và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích này. Sau khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa- Thể thao tham mưu UBND huyện Thăng Bình tiếp tục quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tham mưu Trung tâm Quản lý Di tích và Danh Thắng Quảng Nam có phương án tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
XI. Kết luận.
Căn cứ đơn đề nghị xếp hạng di tích của UBND xã Bình Phục;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Căn cứ công văn số 64/QLDTDT-NV ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam về việc thỏa thuận lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh và bổ sung một số nội dung, tư liệu lịch sử liên quan đến di tích Địa đạo cách mạng Ngọc Sơn xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Thăng Bình lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử: Địa đạo lịch sử cách mạng thôn Ngọc Sơn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh.
XII. Tài liệu tham khảo.
- Lịch sử Đảng bộ xã Bình Phục;
· Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình;
· Các tài liệu viết về địa đạo cách mạng thôn Ngọc Sơn xã Bình Phục
· Nhân chứng sống hoạt động tại Địa đạo thôn Ngọc Sơn;
· Lời kể của các vị cao tuổi, nhân dân trong thôn Ngọc Sơn.
LỜI KỂ CỦA ÔNG TRƯƠNG VĂN CHÂU
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Phục
Tôi là Trương Văn Châu, sinh năm 1941, tham gia du kích năm 1965,là người không phải sinh ra ở Làng Ngọc Sơn, nhưng tôi lại sống và chiến đấu ở Ngọc Sơn khá lâu và cũng chính nơi đây gắn liền với nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Ngọc Sơn là cái nôi cách mạng của xã Bình Phục, chính vì thế nhân dân nơi đây đã dựa vào địa hình núi non của mình để xây dựng công sự, đào hầm chiến đấu, trong đó tiêu biểu nhất và quy mô nhất là Địa Đạo Ngọc Sơn. Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhiều lần địch dồn lực lượng du kích của ta vào thế bí nhưng nhờ có Địa Đạo nên không bị phát hiện. Khoảng 08 giờ ngày 17/9/ 1967 lính Mỹ tổ chức một trận càn lớn tại Ngọc Sơn, gồm 6 xe tăng và nhiều máy bay trực thăng đổ bộ lính ngoài động cát sau đó tiến vào làng lùng sục. Trước tình thế khó khăn và không cân sức, các đồng chí du kích của ta ( khoảng hơn 10 người ) đã vào Địa Đạo để trú ẩn, tuy nhiên thời tiết lúc này vừa tạnh mưa nên khi xuống Địa Đạo đã để lại rất nhiều dấu chân vì thế bị địch lần theo và phát hiện,
Lúc đó tôi bị thương khi chiến đấu cách hầm vài trăm mét nên được đồng đội dìu xuống hầm. Địch phát hiện nên chúng bắt đầu cho bom mìn đánh liên tục vào miệng chính của hầm. Những đồng chí còn lại đã cố gắng xung phong, chiến đấu đẩy lùi địch ra khỏi hầm. Sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính canh gác. Đêm hôm đó đồng chí Lê Tấn Hùng - xã đội trưởng và đồng chí Trương Tổng - Ytá đã đào đất trốn thoát, còn lại nhóm chúng tôi bị bắt vào sáng hôm sau. Lúc đó tôi chứng kiến địch dùng máy bay thả thuốc nỗ TNT đánh sập miệng hầm và một đoạn khá dài của địa đạo, hiện nay dưới địa đạo vẫn còn một cái Rađio và một cái Bình Đông nước của tôi bỏ lại sau khi bị thương.
Nói về Địa Đạo Ngọc Sơn điều mà bản thân tôi thán phục nhất đó là núi Ngọc Sơn là một núi rất nhiều đá, nhưng không hiểu sao khi ấy nhân dân đào hàng cây số mà vẫn không gặp đá.
Đã hơn 40 năm sau ngày quê hương giải phóng, điều mà bản thân tôi cũng như những người từng chiến đấu ở Địa Đạo nói riêng, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Phục nói chung rất mong các cấp có thẩm quyền sớm công nhận Địa Đạo Ngọc Sơn là di tích lịch sử cách mạng để có hướng bảo vệ, khai quật và phục dựng lại di tích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Người kể
Trương Văn Châu
LỜI KỂ CỦA ÔNG TRẦN NGỌC DŨNG
Sinh năm 1948, Thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục
Khi tôi sinh ra thì Địa Đạo Ngọc Sơn đã có rồi, khi lớn lên được các vị cao tuổi là những người trực tiếp tham gia đào Địa Đạo kể lại là Địa Đạo được đào khoảng tháng 10 năm 1947 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do du kích và nhân dân trong vùng thực hiện xuyên suốt trong vòng hơn 1 năm . Với chiều dài hơn 1 km, chiều rộng hơn 1m, chiều cao hơn 1,2m. Người trực tiếp chỉ huy đào là đồng chí Mai Ha lúc này là xã đội trưởng. Địa đạo được đào vào ban đêm và để đảm bảo bí mật nên đất đào lên được đưa xuống ghe chở đổ quanh Bàu Bàng.
Miệng hầm chính được ngụy trang bằng cái giếng nước, vì vậy muốn vào địa đạo phải nhảy xuống giếng rồi mới đi vào được. Địa đạo có 3 nhánh ( trước đây nhân dân trong vùng hay gọi là hầm 3 góc): Một nhánh từ miệng chính xuống đến nhà ông Mai Văn Số, một nhánh đến sau nhà ông Mai Lam và một nhánh đến nhà ông Đặng Quát ( Đặng Ngọc Hóa bây giờ). Nhà ông Đặng Quát trước đây là cơ sở hoạt động của cách mạng nên khi có việc gì thì các chiến sĩ của ta xuống hầm trú ẩn rất thuận lợi.
Trong hầm có phòng họp, giếng nước, vừa là nơi trú ẩn vừa là cơ quan quan trọng của cán bộ làm việc.
Vào giữa tháng 9 năm 1967 lính Mỹ tổ chức một trận càng lớn tại Ngọc Sơn, lúc này tôi và ông....tìm đến địa đạo để trú ẩn. Tuy nhiên khi đến miệng hầm của Địa Đạo thì thấy rất nhiều dấu chân của một số người đã xuống trú ẩn trước đó, linh tính có điều chẳn lành nên tôi và ông ..... không xuống hầm mà chạy sang Phái Năm để trú ẩn. Đúng như dự đoán lính Mỹ lần theo dấu chân và phát hiện, chúng bắn súng, thả lựu đạn làm một số du kích của ta bị thương như Trương Văn Châu, Trần Ngọc Trợ...sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm, và cho người canh gác, đến nữa đêm lợi dụng sơ hở một số đồng chí đã trốn thoát như đ/c Lê Tấn Hùng xã đội trưởng, Trương Tổng y tá, còn lại một số đồng chí đến sáng hôm sau chúng giải đến nhà lao và dùng bom đánh sập miệng hầm chính và một đoạn khá dài của địa đạo.
Hình ảnh: cửa miệng phụ tại nhà ông Đặng Ngọc Hóa.
Hình ảnh: miệng hầm chính đã bị đánh sập.
Hình ảnh: Cửa miệng hầm phụ sau nhà ông Mai Lâm
Hình ảnh: của hầm phụ tại nhà ông Đặng Quát (được bảo vệ)
Hình ảnh: Nhân dân đang khai quật miệng hầm phụ tại nhà ông Đặng Ngọc Hóa.