Chi tiết tin

A+ | A | A-

Lễ công bố quyết định và trao bằng di tích địa đạo Ngọc Sơn

Ngày đăng: 7:58 | 28/09/2020 Lượt xem: 170

Công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Địa đạo Ngọc Sơn

Công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Địa đạo Ngọc Sơn

Tác giả: Minh Tân

Sáng ngày 26.9, xã Bình Phục tổ chức lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Địa đạo Ngọc Sơn. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam; ông Đoàn Văn Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy; ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện đến dự.


Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam
và ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh địa đạo Ngọc Sơn cho lãnh đạo xã Bình Phục.
     Cuối tháng 10.1947, quân Pháp tập kích vào vùng Đông huyện Thăng Bình, càng quét các thôn Ngọc Sơn, Mỹ Hiệp (thuộc xã Bình Phục hiện nay). Địch vơ vét, cướp bóc, phá hoại tài sản của nhân dân, trước tình hình trên lực lượng du kích ở địa phương phối hợp với bộ đội huyện đánh trả quyết liệt, đã tiêu diệt hàng chục tên địch và thu nhiều chiến lợi phẩm.
     Để đảm bảo cho cuộc kháng chiến lâu dài, cùng thời gian này (10.1947) địa đạo Ngọc Sơn được xây dựng. Công trình do du kích và nhân dân trong vùng đào gần 1 năm, với chiều dài hơn 1.000 mét, rộng hơn 1 mét, cao hơn 1,2 mét, nằm sâu trong lòng núi. Theo lời kể của các nhân chứng thì địa đạo được đào vào ban đêm và để đảm bảo bí mật, nên đất đào lên được đưa xuống ghe chở đến nơi khác. Miệng hầm chính được ngụy trang bằng cái giếng nước, vì vậy muống vào địa đạo phải nhảy xuống giếng rồi mới đi vào được, các cửa miệng phụ, ngách gió thông hơi dựa vào vị trí các bụi tre và nhà dân. Địa đạo có 3 nhánh, một nhánh từ miệng chính xuống đến nhà ông Mai Văn Số, một nhánh đến sau nhà ông Mai Lam và một nhánh đến nhà ông Đặng Quát (nhà ông Đặng Quát là cơ sở hoạt động của cách mạng, nên khi có việc gì thì các chiến sĩ của ta xuống hầm trú ẩn rất thuận lợi). Trong hầm có phòng họp, giếng nước, vừa là nơi trú ẩn vừa là cơ quan quan trọng của cán bộ làm việc.

Ảnh: Đông đảo nhân dân xã Bình Phục đến dự lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Địa đạo Ngọc Sơn.
     Tháng 4.1952, quân đội Pháp nghi vấn khu vực núi Ngọc Sơn có địa đạo, có cơ sở cách mạng hoạt động nên chúng nã canh nông và thả bom đánh phá dữ dội, lúc này bộ đội của tỉnh đang huấn luyện tại rừng xoài đã kịp vào địa đạo trú ẩn, một số quả bom, canh nông rơi gần khu vực địa đạo nhưng không ảnh hưởng đến địa đạo.
     Ngày 17.9.1967 lính Mỹ tổ chức một trận càn lớn tại thôn Ngọc Sơn, gồm 6 xe tăng, hai máy bay trực thăng, chúng cho trực thăng đổ bộ lính ngoài động cát sau đó tiến vào làng lùng sục. Trước tình thế không cân sức, các đồng chí du kích (khoảng hơn 10 người) đã vào địa đạo để trú ẩn, tuy nhiên thời tiết lúc này vừa tạnh mưa nên khi xuống địa đạo đã để lại rất nhiều dấu chân và bị lính Mỹ phát hiện, chúng bắn súng, thả lựu đạn làm một số du kích bị thương.
     Ông Trương Văn Châu – Du kích địa phương (trực tiếp tham gia chiến đấu) ở xã Bình Phục cho biết: Lúc đó ông bị thương khi chiến đấu cách hầm vài trăm mét nên được đồng đội dìu xuống hầm. Địch phát hiện nên chúng bắt đầu cho bom mìn đánh liên tục vào miệng hầm. Sau đó chúng cho máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính canh gác. “Đêm hôm đó đồng chí Lê Tấn Hùng - Xã đội trưởng và đồng chí Trương Tổng – Y tá đã đào đất trốn thoát được, còn lại nhóm của ông bị bắt. Lúc đó địch dùng máy bay thả thuốc nổ TNT đánh sập miệng hầm và một đoạn khá dài của địa đạo. Hiện nay, dưới địa đạo vẫn còn một cái rađio và một cái bình đông nước của ông bỏ lại sau khi bị thương” - Trương Văn Châu nhớ lại.
     Sau khi bọn địch phát hiện ở Ngọc Sơn có địa đạo, có căn cứ cách mạng nên chúng thường xuyên thả bom xăng và cho người chặt phá trơ trụi cây cối để dễ bề quan sát, đồng thời tăng cường hai trung đội nghĩa quân về đóng quân tại núi Ngọc Sơn. Đến năm 1970 địch kiểm soát hoàn toàn xã Bình Phục, chúng càn quét, kiểm soát gắt gao làm cho hoạt động của cán bộ, du kích gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cán bộ, du kích hy sinh. Năm 1971, huyện chỉ đạo thành lập chi bộ ghép Bình Giang, Bình Phục để lãnh đạo phong trào cho sát thực tế. Nhờ có cơ sở bên trong hoạt động mạnh đưa một số hộ dân trong khu dồn về vùng giải phóng, từ đó thường xuyên móc nối cơ sở cho đến ngày 24.3.1975 xã Bình Phục được hoàn toàn giải phóng.

Ảnh: Quang cảnh buổi lễ.
     Ông Lê Thông – Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, địa đạo Ngọc Sơn góp phần quan trọng vào việc hoạt động cách mạng để giải phóng xã Bình Phục. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết của người dân Bình Phục trong kháng chiến.
     Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 04.12.2019 UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 3928/QĐ-UBND, công nhận di tích địa đạo Ngọc Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là bước ngoặt quan trọng làm cơ sở pháp lý, khoa học để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Phục bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tác giả: UBND xã Bình Phục

Nguồn tin: UBND huyện Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy website của chúng tôi như thế nào

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

0000205661

Hôm nay: 34
Tháng này: 1369
Năm này: 25282